10 thực phẩm giải nhiệt trong ngày hè

10 thực phẩm giải nhiệt trong ngày hè

Theo y học cổ truyền, một trong những cách để điều tiết cơ thể là dùng thực phẩm để điều chỉnh cân bằng âm dương, cân bằng tạng phủ. Đó là những loại thực phẩm phù hợp với cơ thể theo từng mùa, thích ứng với khí hậu, thời tiết.

Tiết trời oi bức, con người dễ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, nhất là với người già, trẻ em. Để loại bỏ các bệnh thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là các bệnh phát sinh do nhiệt, bên cạnh việc thực hiện một chế độ sinh hoạt điều độ hợp lý thì dinh dưỡng là một phần không thể thiếu. Để giải nhiệt trong những ngày đón nhận cái nóng đầu tiên của mùa hè cần chọn những thực phẩm mang tính mát, có công dụng thanh nhiệt.

1. Mướp đắng (Khổ qua): Mang tính hàn, có tác dụng làm sáng mắt, giải khát, giải nhiệt, bổ khí. Khổ qua dùng làm thức ăn mùa hè rất phù hợp. Người ta thường dùng khổ qua dưới dạng ăn sống, luộc, xào với trứng, nhồi thịt hầm, hoặc thái ra, phơi khô, dùng thay trà có tác dụng thanh nhiệt. Tuy nhiên, do vị đắng của nó mà có người không dùng được.

2. Bí, bầu: Cũng là món ăn rất tốt trong mùa nóng bởi nó tính mát, giúp thanh nhiệt, giảm tác hại của nắng nóng. Có thể dùng nấu canh hoặc ép lấy nước uống. Bầu chứa vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải khát. Canh bầu nấu với tôm là một món ăn dân dã nhưng lại có công dụng giải nhiệt và bồi bổ rất tốt.

 

3. Dưa chuột: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, được dùng rất phổ biến trong mùa hè dưới dạng ăn sống, làm nộm, chế biến thành dưa muối cả quả. Dưa chuột còn có thể xào với một số loại thịt thành những món ăn khá hấp dẫn.

4. Rau dền: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, bổ khí, lợi tiểu. Đây là loại rau chứa rất nhiều chất khoáng cần cho quá trình tăng trưởng của thanh thiếu niên.

5. Củ đậu: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát, giải độc khi say rượu; là thức ăn lý tưởng của mùa hè, có thể gọt vỏ ăn sống, ép lấy nước uống hoặc làm nộm, xào thịt, nấu canh.

6. Đậu phụ: Vị ngọt, mát có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo, bổ trung, giải độc và sinh nước bọt. Đậu phụ dễ chế biến, có thể chần ăn sống, kho với bột nghệ, rán hoặc nhồi thịt, sốt hoặc nấu canh với cà chua... Đậu phụ còn chế biến thành những món ăn vị thuốc để chữa bệnh như: Canh đậu phụ rau dền, canh đậu phụ dưa chuột, canh đậu phụ mộc nhĩ, đậu phụ cá chạch, đậu phụ nấm, đậu phụ chân giò...

7. Củ cải: Vị ngọt, tính mát, có lợi cho cả 5 tạng, làm hạ khí nhanh, tiêu hóa ngũ cốc, điều hòa thân nhiệt, tiêu viêm, chống cơn khát, ăn vào thân thể nhẹ nhàng, da dẻ hồng hào trắng mịn, mất nếp nhăn. Ngoài ra củ cải còn tiêu ứ, khí không thoát, giải độc do rượu, cầm máu... Thường chế biến các món: Luộc, xào thịt, xào tim, gan, bồ dục, hầm với thịt dê, thịt lợn.

8. Cà rốt: Vị ngọt, tính bình, vào kinh tỳ, can, phế, kiện tỳ, tiêu thực, bổ can, sáng mắt, hạ khí, trị ho, thanh nhiệt, giải độc. Ăn sống hay chín đều có tác dụng bổ máu, người già yếu, trẻ em ăn cà rốt rất tốt vì nó giúp dạ dày tiêu hóa, chữa chứng mắt khô, cam tích ở trẻ. Những người phế nhiệt ho hen, ho gà dùng cà rốt sấy vắt giã lấy nước cốt uống. Cà rốt thường nấu với xương lợn, xương bò, làm nộm với đu đủ, su hào, làm các món xào với gan, tim, thịt bò và ngâm giấm ăn sống.

9. Rau muống: Theo y học hiện đại, ăn rau muống giúp ức chế sự hoạt động của các vi khuẩn gây bệnh, ngăn ngừa nhiễm trùng, viêm nhiễm, mát máu, giải nhiệt ở miệng và phòng ngừa bệnh tiêu chảy. Một đĩa rau muống luộc, bát nước rau được vắt thêm chanh hay dầm vài quả sấu là món ăn rất tốt cho sức khoẻ trong những ngày hè oi bức.

10. Cà chua: Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cân bằng gan, chống nóng. Ngoài ra, cà chua có nhiều vitamin, chất khoáng và vi khoáng dễ hấp thu, giúp cho cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, phòng chống nhiễm trùng, chống oxy hóa mạnh, chế độ ăn tăng cường cà chua đã góp phần làm chậm quá trình lão hoá và làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng, ung thư vòm họng.....