Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có trên 5 triệu người mắc bệnh tiểu đường và con số này dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nguy hiểm hơn 50% trong số này không biết mình đang bị bệnh.
Hơn nữa, theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), có trên 50% bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta chết vì căn bệnh này trước 60 tuổi.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, số người mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường tăng cao là do nhiều người không biết mình bị rối loạn chuyển hóa. Những mặt trái của xã hội hiện đại như hạn chế vận động, stress, yếu tố ô nhiễm môi trường, kể cả việc người Việt vẫn giữ thói quen ăn nhiều cơm và các chất bột đường khác là những nguyên nhân chính gây bệnh rối loạn chuyển hóa gia tăng hiện nay.
Bệnh tiến triển từ từ và không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt khiến nhiều người chủ quan không đi kiểm tra thường xuyên, đến khi xuất hiện các biểu hiện bất thường như mờ mắt, tê chân đi khám thì bệnh ở giai đoạn muộn và gây ra tốn kém chi phí chữa trị.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo, trước đây bệnh tiểu đường thường gặp ở người trên 40 tuổi, nhưng hiện nay độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Đây là bệnh mạn tính nên phải theo dõi và điều trị suốt đời. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như các bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương… và thậm chí gây tử vong.
Đối với bệnh lý mỡ máu hiện nay cũng gia tăng ở cả người trẻ, trẻ nhỏ. Mỡ máu bao gồm một số thành phần chính như cholesterol toàn phần, cholesterol tốt, cholesterol xấu, lipoprotein, apoprotein, axít béo tự do, phospholipid và triglycerid. Trong đó, các loại cholesterol chiếm đến 60 - 70%. Mỡ máu rất cần thiết cho sự sống của cơ thể để duy trì mọi hoạt động bình thường. Tuy vậy, khi mỡ máu tăng cao, kéo dài sẽ bất lợi cho sức khỏe người bệnh.