Bác sĩ Sài Gòn cắt nối hai đầu khí quản giúp chàng trai Campuchia tự thở

Bác sĩ Sài Gòn cắt nối hai đầu khí quản giúp chàng trai Campuchia tự thở

Lần đầu tiên Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM dùng kỹ thuật cắt nối khí quản tận - tận, cứu bệnh nhân nước ngoài 2 năm không tự thở.

 

Cách đây 2 năm, chàng trai chạy xe máy, bị một sợi dây chăng ngang đường cắt ngang cổ. Khi ấy anh khó thở, nhập viện tại Campuchia và được mở khí quản cấp cứu. Tình trạng không cải thiện nên một năm trước anh đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM khám. Bác sĩ chỉ định nhập viện phẫu thuật, anh không có điều kiện mổ nên đến nay mới trở lại. Suốt hai năm qua, chàng trai 28 tuổi không thể tự thở bằng mũi, phải đeo thiết bị mở khí quản để giúp thở, không thể nói chuyện.

Bệnh nhân hồi phục sau mổ, được phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy hướng dẫn tập trị liệu. Ảnh: Lê Phương.
Bệnh nhân hồi phục sau mổ, được phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy hướng dẫn tập trị liệu. Ảnh: Lê Phương.

Phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết lần này nội soi thanh khí quản phát hiện bệnh nhân có sẹo hẹp bít tắc hoàn toàn khí quản. Vị trí tắc cách thanh môn khoảng 25 mm, không có đường thông để thở.

Để giải quyết sẹo hẹp khí quản cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt nối khí quản tận - tận. Đây là lần đầu tiên bệnh viện áp dụng kỹ thuật này để nối khí quản cho bệnh nhân. Kíp mổ cắt đoạn khí quản dài khoảng 5 cm và khâu nối hai đầu để giúp đường thở thông thoáng. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt, tự thở được, đang tập âm ngữ trị liệu, tập nuốt, tập nói để trở lại cuộc sống đời thường.

Tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết, trường hợp khí quản hẹp hoàn toàn, không còn cách nào khác ngoài giải pháp cắt nối tận - tận.

 

Sẹo hẹp khí quản là di chứng do nhiều nguyên nhân như đặt nội khí quản, mở khí quản, chấn thương thanh khí quản. Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề tâm lý người bệnh và chất lượng cuộc sống. Cách điều trị phụ thuộc vị trí hẹp, mức độ diễn tiến, cơ địa của người bệnh, đánh giá đúng tổn thương...