Bệnh giãn phế quản là một tình trạng ở phổi gây ho và có đờm, đường hô hấp bị nhiễm trùng tái đi tái lại. Các triệu chứng này là do giãn nở bất thường (nở rộng) các đường thở của phổi (phế quản). Trong một số trường hợp chỉ có một đường thở bị ảnh hưởng. Trong những trường hợp khác, nhiều đường dẫn khí bị ảnh hưởng. Trong những trường hợp rất nặng, sự giãn nở đường thở xảy ra ở khắp cả hai phổi.
Sự giãn nở này gây khó khăn cho việc đưa những chất tiết (đờm, chất nhầy) từ đường hô hấp dưới lên trên. Những chất tiết dính này tạo một nơi cư trú lý tưởng cho sự sống và phát triển của nhiều loại vi trùng. Điều này dẫn đến nhiễm trùng và sự phát triển quá mức vi khuẩn sẽ gây viêm (sưng và kích thích). Nhiễm trùng và viêm sẽ gây hại thêm đường hô hấp và làm giãn phế quản nhiều hơn và làm tình trạng giãn phế quản xấu hơn nữa. Quá trình này đôi khi được gọi là "giả thuyết chu kỳ luẩn quẩn" của bệnh giãn phế quản.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra giãn phế quản, bao gồm 4 nguyên nhân chính:
- Các bệnh di truyền (xơ nang và rối loạn vận động lông chuyển nguyên phát).
- Các vấn đề của hệ miễn dịch (giảm khả năng chống lại nhiễm trùng).
- Có bệnh sử nhiễm trùng phổi trong quá khứ.
- Các vấn đề về nuốt gây ra việc hít phải làm thức ăn hoặc chất lỏng rơi vào phổi.
Tuy nhiên, trong khoảng 40% trường hợp, nguyên nhân gây giãn phế quản không được xác định. Những trường hợp này được gọi là "chứng giãn phế quản nguyên phát". Bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành một số xét nghiệm để liệu xem có thể điều trị được bệnh giãn phế quản của bạn hay không.
Nhưng không may, giãn phế quản không thể hồi phục được, tuy nhiên nó có thể điều trị được để giảm triệu chứng, giới hạn sự tiến triển của các triệu chứng. Điều trị có thể giúp bệnh giãn phế quản không trở nên tồi tệ hơn, và giúp ngăn chặn vòng luẩn quẩn của việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Hiếm khi, có những bệnh nhân chỉ bị giãn phế quản trong một vùng của phổi, phẫu thuật cắt bỏ phần phổi đó có thể chữa khỏi bệnh này.
Triệu chứng
Triệu chứng thông thường nhất của giãn phế quản là ho, mà thường là có đờm. Thỉnh thoảng cơn ho có thể trở nên nghiêm trọng hơn và bệnh nhân có thể bị sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm, mệt mỏi, đờm bị biến đổi về màu và về số lượng. Khi điều này xảy ra thì được gọi là đợt kịch phát của bệnh giãn phế quản.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Thở gấp, hụt hơi hoặc khó thở.
- Sụt cân không chủ ý.
- Ho ra máu.
- Tức ngực hoặc đau thắt ngực.
Các triệu chứng này thường phát triển trong nhiều năm và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Các bệnh nhân bị bệnh giãn phế quản này cho biết rằng họ bị viêm phế quản hoặc bị viêm phổi từ lúc nhỏ trong nhiều năm. Vài bệnh nhân bị giãn phế quản có thể bị các chứng bệnh về xoang mà cũng có thể nhiều lúc góp phần vào việc bị ho.
Chẩn đoán bệnh giãn phế quản
Bệnh giãn phế quản được chẩn đoán bằng hình ảnh X-quang, hầu như luôn đi kèm với chụp CT ở ngực.
Chụp CT sẽ thể hiện vùng và mức độ nặng của bệnh giãn phế quản và có thể đưa ra những đầu mối về nguyên nhân của bệnh này. Nhân viên y tế cũng có thể yêu cầu đo chức năng phổi (các bài kiểm tra về hô hấp) và lấy đờm của bạn để tìm các vi trùng cụ thể. Việc cấy đờm này sẽ giúp xác định kháng sinh nào có hiệu quả tốt nhất trong đợt cấp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi phế quản, trong đó một ống dài với đèn và camera ở cuối ống được đặt vào đường thở để lấy chất nhầy ra.
Điều trị
Bệnh giãn phế quản là một tình trạng tiến triển và xấu đi với việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì vậy, mục đích kết quả của việc điều trị là ngăn chặn sự nhiễm trùng và đợt kịch phát. Điều quan trọng là cố gắng giúp cho phổi được khoẻ nhất ở mức có thể với chức năng phổi tốt. Bạn nên sớm đến bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng của đợt kịch phát.
Bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp điều trị do bác sĩ đưa ra, bạn có khả năng kiểm soát tình trạng này và không bị xấu đi. Nhiều người có thể sống nhiều năm với bệnh giãn phế quản. Phổi càng bị tổn hại thì nguy cơ mất chức năng và tử vong càng cao.