Tại Việt Nam, có đến gần 90% dân số (ở 53/63 tỉnh, thành phố) sống trong vùng dịch tễ của bệnh giun truyền qua đất. Trong số này, có 4 triệu trẻ lứa tuổi mầm non, 6 triệu trẻ là học sinh tiểu học và 19 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bệnh giun truyền qua đất do ba loại giun tròn gồm: Giun đũa, giun móc và giun tóc gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và vệ sinh kém. Bên cạnh đó, các bệnh ký sinh trùng truyền qua thức ăn cũng là một trong những bệnh rất phổ biến.
Các bệnh lây truyền từ động vật qua người chủ yếu là các loại sán: sán lá gan, sán phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn, giun đũa chó, mèo…Đây là một loại bệnh mà hiện nay Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy lùi do liên quan đến các yếu tố về sinh thái, nhất là các yếu tố về vệ sinh môi trường, tập quán ăn uống và các phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, khó thay đổi của người dân.
Một số trường hợp khi nhiễm bệnh có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính, dẫn đến các tác động nhiều mặt về sức khỏe. Có thể bệnh gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, học hành giảm sút… nhiều khi có biến chứng đe dọa tính mạng.
Những món ăn tiềm ẩn giun sán
Tiết canh, gỏi cá, thịt bò, thịt heo nhúng, tái, cua nướng, rau sống…là những món ăn được nhiều người ưa thích, tuy nhiên, chúng thường chứa nhiều trứng giun, sán rất nguy hiểm.
Điều trị bệnh giun sán
Vì một người (nhất là trẻ em) có thể bị mắc nhiều loại giun, sán; chẳng hạn, vừa nhiễm giun đũa lẫn giun kim, hoặc giun móc lẫn giun kim, hoặc nhiễm giun tóc và sán lá gan v.v... Vì vậy phải xét nghiệm phân để chọn thuốc có tác dụng đồng thời trên nhiều loại giun, sán.
Tốt nhất cứ 6 tháng (chậm nhất là 12 tháng) chúng ta nên tẩy giun một lần. Đối với trẻ em đã tẩy giun rồi, mà vẫn còn xanh xao, yếu, kém ăn, cần phải kiểm tra xem có loại giun sán nào khác nữa không, hoặc có thể bị bệnh khác như còi xương, suy dinh dưỡng, sơ nhiễm lao v.v... để chữa trị cho đúng hướng.
Phòng bệnh
Để đề phòng bệnh giun sán, điều quan trọng là phải tuyệt đối giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch, nhất là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ…
Vệ sinh tay chân luôn sạch, cắt móng tay, không đi chân đất, vì ấu trùng giun móc ở ngoài đất có thể đi xuyên qua da kẽ chân để vào máu, vào phổi, vào ruột và sinh sống tại đó và gây bệnh. Quần áo của người mắc giun nên thay giặt thường xuyên, ngâm nước sôi hoặc phơi chỗ có nắng nhiều cho chết trứng giun.
Phân của trẻ có giun cũng cần phải được xử lý, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Đối với trẻ nhỏ, không để trẻ lê la dưới đất, nhất là không mặc quần thủng đít; Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em trên 2 tuổi và người lớn.