Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ đang trong những ngày nhiệt độ lên tới cao điểm trong năm 2018, nhiệt độ có khi lên tới 41 độ C. Do ghi nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến do các bệnh lý liên quan đến thời tiết, các bệnh viện phải căng mình “vật lộn” với nắng nóng.
TS Nguyễn Anh Tuấn (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho người đàn ông nghi bị sốc nhiệt do nắng nóng, đưa vào viện cấp cứu sáng 4/7. Ảnh: V.Thu
Bệnh nhân ùn ùn nhập viện vì bệnh liên quan thời tiết
Trưa 4/7, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khoảng 10h sáng cùng ngày, người dân phường Định Công (Hà Nội) phát hiện người đàn ông trung niên nằm bên vệ đường đã báo công an đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Thời điểm nhập viện, thân nhiệt bệnh nhân lên đến 41 độ C, nghi ngờ sốc nhiệt do nắng nóng. Bệnh nhân được Công an phường Định Công đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, không rõ thân nhân, thân nhiệt lên đến 41 độ C. Với tình trạng này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, tim… và hiện đang cần đánh giá.
Tại Bệnh viện Bạch Mai những ngày qua, số ca đột quỵ vào điều trị gia tăng. Thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quỵ. PGS.TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai cho biết), đột quỵ dễ xảy ra vào những ngày nắng nóng như hiện nay. Nguyên nhân là do cơ thể mất nước, làm tăng độ kết dính trong máu, dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông - nguy cơ gây đột quỵ. Ngoài các đối tượng có tiền sử bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp thì trẻ nhỏ là đối tượng đổ bệnh nhiều nhất do nắng nóng đỉnh điểm, kéo dài.
Tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội, lượng người bệnh, nhất là người già và trẻ em đến khám và điều trị đã tăng hơn hẳn những ngày thời tiết mát mẻ trước đó. Tại Bệnh viện Đống Đa, bên cạnh số người đến khám tăng từ 15-20% thì số người bệnh cao tuổi đến khám, điều trị chiếm khoảng 70%, trong đó có nhiều trường hợp bị huyết áp cao, tim mạch, tai biến mạch máu não... phải điều trị nội trú. Công suất sử dụng giường bệnh tại khoa Lão trong những ngày nắng nóng thường xuyên đạt 100-120%.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, khi số lượng người bệnh nhập viện tăng 30% so mức bình quân của những ngày trước đó. Tại các khoa Nhi, Tiêu hóa và Dinh dưỡng, nhiều bệnh nhi đang điều trị sởi, tay chân miệng, viêm màng não và viêm não Nhật Bản...
Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, các khoa có đông người bệnh nhập viện là: Nhi, Sơ sinh, Tim mạch, Tai mũi họng, Mắt...
Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày này, mỗi ngày tiếp nhận trung bình khoảng 3.000 trẻ, có những ngày lên tới 4.500 ca, trong đó có nhiều trẻ bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Theo các bác sĩ, nguyên nhân do trẻ ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa phòng điều hoà và nhiệt độ bên ngoài.
Tại tỉnh Nghệ An, số người bệnh nhập viện tăng đột biến. Bình thường mỗi ngày Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh này có từ 1.400 - 1.500 trẻ đến khám và từ 800 - 900 bệnh nhân điều trị nội trú. Nhưng hai ngày qua, số bệnh nhân đến khám đã tăng lên gần 1.800 lượt và có đến 1.133 bệnh nhân điều trị nội trú, chủ yếu là trẻ em nhập viện điều trị liên quan các bệnh tiêu chảy cấp, viêm hô hấp, sốt phát ban…
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, Khoa tiếp nhận khoảng gần 40 ca viêm não Nhật Bản, so với mọi năm thì số lượng không tăng nhưng lứa tuổi mắc lại cao hơn (thông thường ở trẻ 2-8 tuổi). Hiện thời tiết đang nắng nóng đỉnh điểm, trong Khoa có khoảng gần chục ca mắc bệnh này, hầu hết là những ca nặng. Trẻ lớn nhất khoảng 15 - 16 tuổi, còn lại đa số là 10 - 12 tuổi.
Bệnh viện tìm mọi cách “hạ nhiệt” chống chọi nắng nóng
Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để ứng phó với thời tiết nắng nóng và không để người nhà bệnh nhi cùng bệnh nhi phải chờ lâu, Bệnh viện đã tổ chức đón tiếp bệnh nhi từ 5h và khám bệnh từ 7h sáng mỗi ngày. Bệnh viện cũng đã tăng cường bàn khám, đồng thời tăng cường hướng dẫn, chia nhiều khu vực khám để giảm áp lực tại một số điểm như: Khoa Điều trị tự nguyện A, Phòng khám 24h, Phòng khám truyền nhiễm... Ngoài việc tăng cường thêm ghế ngồi, quạt mát, nước uống miễn phí, đồng thời tại Khoa Khám bệnh 2, trang bị thêm điều hoà đề phục vụ, để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng và đông bệnh nhân, Bệnh viện tổ chức in và trả kết quả xét nghiệm ngay tại phòng khám.
Ngoài ra do nhu cầu về sử dụng điện tăng cao, chạy điều hoà phục vụ bệnh nhi nên đầu tuần này, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết định cắt điện, điều hoà luân phiên và đột xuất của khối phòng nhân viên từ tầng 6 đến tầng 13 của khu toà nhà 15 tầng; Bệnh viện cũng đã chuyển giặt là ra khỏi khuôn viên của viện để tiết kiệm điện và nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường giúp cho bệnh nhi và người nhà đỡ “ngột ngạt” trong điều kiện nắng nóng.
Tại Bệnh viện K, ThS Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết, để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, tại các cơ sở 1 (Quán Sứ), 2 (Tam Hiệp) và 3 (Tân Triều) của Bệnh viện K đều tăng cường quạt mát, điều hoà cho khu vực khám bệnh và các khoa, phòng điều trị. Nếu trước đây, các phòng điều trị chỉ bật điều hoà luân phiên theo giờ thì trong điều kiện nắng nóng gay gắt, các phòng này được bật điều hoà 24/24h để phục vụ bệnh nhân.
Tại một số khoa, phòng chịu ảnh hưởng trực tiếp của nắng, Bệnh viện K đã lên phương án căng thêm bạt che để hạn chế nắng nóng cho khoa, phòng; đồng thời bổ sung thêm cây xanh tại sảnh của các khoa, phòng đông bệnh nhân để làm "dịu" bớt nắng nóng trong lúc bệnh nhân chờ khám/ điều trị. Ngoài ra, các cây cung cấp nước uống miễn phí trong bệnh viện cũng được kiểm tra đường dẫn nước, bộ phận lọc nước để đảm bảo cung cấp đủ nước uống sạch cho người bệnh/người nhà bệnh nhân. Bệnh viện K đã triển khai đón tiếp người bệnh từ 5h30 sáng và khám vào lúc 6h các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu tại cơ sở Quán Sứ và cơ sở Tân Triều. Riêng ngày thứ Bảy, Bệnh viện khám theo yêu cầu từ 7h30 - 17h tại cơ sở Quán Sứ và cơ sở Tân Triều.
Ở cấp độ quản lý Nhà nước, đầu tuần này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu các bệnh viện tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè và nắng nóng cho người bệnh. Theo đó, các bệnh viện rà soát, áp dụng hiệu quả các nội dung trong Bộ tiêu chí chất lượng, bệnh viện Việt Nam như bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp điều hòa nhiệt độ (nếu có điều kiện).
Đồng thời, cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh; bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm đến mức thấp nhất thời gian chờ đợi của người bệnh; bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng, hô hấp, tiêu hóa...
Xử trí say nắng, say nóng cho trẻ bằng cách nào?
Các bệnh liên quan tới nắng nóng thường gặp nhất là mất nước do nguyên nhân ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ, chuột rút, suy kiệt vì nóng, say nắng say nóng cần cấp cứu. Tất cả các bệnh này đều có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ.
Căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng là say nắng, có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được cấp cứu kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo của say nắng là thân nhiệt lên cao (trên 39,5 độ C); da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); mạch nhanh, mạnh; đau đầu nhức nhối, chóng mặt, buồn nôn; mê sảng, mất ý thức. Khi thấy người bệnh có những dấu hiệu nêu trên, cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ (chuyển trẻ tới khu vực râm mát, dùng khăn ướt hoặc nước mát lau người, quạt mát…).
Cục Y tế dự phòng hướng dẫn cách phòng bệnh mùa nắng nóng
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol... Uống nước cả khi không khát; không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Cần thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.