Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện hầu hết các trạm y tế đều có bác sĩ, nhưng nếu để bác sĩ làm cả đời ở trạm y tế tuyến xã là thiệt thòi, họ không thể tiến bộ được. Do đó, cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, cử bác sĩ từ Trung ương, tỉnh, huyện xuống đào tạo nhân lực, khám một thời gian để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới, đưa bác sĩ tại trạm lên tuyến cao hơn học chuyên môn.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: V.Thu
Trạm y tế không giữ chân được người bệnh
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến xã được Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức ngày 6/7, đại diện Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có gần 11.200 trạm y tế. Số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng dần qua các năm, từ 130 triệu - 150 triệu (từ 2015 - 2017). Chi phí do quỹ BHYT chi trả tương ứng cũng tăng từ 47.000 tỷ đồng lên 88.000 đồng chỉ trong 3 năm (2015 - 2017).
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Thời gian qua y tế cơ sở đã có những vai trò tích cực, với mạng lưới rộng lớn, thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận người dân “chưa tin tưởng” vào y tế cơ sở vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề về chất lượng, cán bộ y tế, mức chi trả quá thấp, danh mục thuốc kỹ thuật ít…
Trong đó, với quy định quỹ khám chữa bệnh BHYT giao cho trạm y tế xã không quá 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú, chi bình quân lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã năm 2015 chỉ ở mức gần 42.000 đồng/lượt, năm 2016 tăng lên gần 53.000 đồng, còn năm 2017, trung bình mỗi lượt khám chữa bệnh ở trạm y tế xã chỉ được chi gần 76.000 đồng. Mức này không đủ để chi cho khám chữa bệnh BHYT dẫn đến một số loại bệnh Trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng vẫn phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, gây quá tải, tăng chi phí tiền túi người dân, quỹ bảo hiểm, không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh mãn tính không lây. Quy định này càng làm hạn chế phạm vi và phát triển chuyên môn kỹ thuật của trạm y tế xã. “Việc người bệnh vượt lên tuyến trên như vậy cũng khiến y tế cơ sở đánh mất vai trò “người gác cổng” trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Đặc biệt, từ khi thực hiện quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện, người dân càng ít đến trạm y tế. Số lượt khám chữa bệnh tại xã trước đây là 28% thì đến nay chỉ còn 19%; ngược lại tuyến huyện đã tăng lên đến hơn 50%. Chia sẻ thêm về tình trạng “vắng tanh” tại trạm y tế xã, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trung bình mỗi trạm một ngày chỉ khám 10-15 người; có nơi chỉ một vài người. Trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế, ngay cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... Có trạm có siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng sử dụng rất hạn chế.
Ngoài ra, hầu hết các trạm y tế đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mãn tính, thông thường. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, số lượng cán bộ y tế cơ bản đủ nhưng chất lượng còn hạn chế. Trong năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản; gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này.
Bộ trưởng cũng chỉ ra thực tế, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT trong khi chi phí khám chữa bệnh BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại số lượt khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, tỷ trọng chi từ quỹ BHYT trong tổng chi cho chăm sóc sức khoẻ ban đầu lần lượt là 51%-76%-78%. Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, tuyến y tế cơ sở chiếm 20-30% chi phí y tế, nhưng thực tại hiện nay tuyến dưới chỉ kê đơn, bốc thuốc là thách thức với ngành Y tế.
Sẽ đưa bác sĩ Trung ương về xã khám, nâng uy tín y tế cơ sở
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để tăng cường khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở, khắc phục những bất cập hiện nay trong khám chữa bệnh BHYT, Bộ trưởng cho biết, cần đổi mới cơ chế chi trả khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã. Theo đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105 trong đó bỏ quy định khống chế tỷ lệ 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú cho tuyến xã.
Thêm vào đó, Bộ Y tế cũng có chủ trương quy định chuyển các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, hen suyễn - những bệnh ổn định phác đồ điều trị từ tuyến tỉnh xuống huyện, xã và có hệ thống đường, nước tiểu, thu mẫu lên trung tâm tuyến huyện để xử lý.
“Chúng tôi đi thăm Bắc Giang, Sóc Sơn, Ba Vì - những nơi đã thí điểm thực hiện mô hình này, bệnh nhân rất phấn khởi bởi hàng tháng, họ không phải di chuyển lên tuyến trên lấy thuốc, vừa mất thời gian, lại chờ đợi lâu. Mô hình này nếu duy trì thì rất tốt cho bệnh nhân. Còn khi đi thăm Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân kêu ca vì chuyện chờ đợi lâu quá khi lên lĩnh thuốc. Họ cũng chỉ muốn được chuyển về xã, huyện”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Về nhân lực chuyên môn, quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, với các dự án đã vận hành, tiến tới Bộ sẽ tiến tới đào tạo 100% số xã đào tạo chuyên khoa Bác sĩ gia đình, chuyên khoa định hướng 3 năm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ phân công, hàng tuần các bác sĩ ở huyện phải xuống xã khám bệnh. Hiện Sóc Sơn (Hà Nội) và một số nơi đã thực hiện mô hình này, bệnh nhân tới trạm y tế xã rất đông để lấy thuốc cao huyết áp, tiểu đường… Bộ trưởng cho biết, ngày 9/7 tới, tại Hà Nội sẽ tổ chức khoá tập huấn đầu tiên về khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhấn mạnh quản lý các bệnh không lây nhiễm cho 26 trạm y tế xã. “Trực tiếp Bộ trưởng và các Thứ trưởng sẽ chăm sóc từng trạm trong số 26 trạm này. Bản thân tôi được phân công trực tiếp theo dõi 7 trạm tại TPHCM và Hà Nội”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cần chi nhiều hơn cho y tế cơ sở, phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn. “Cứ để bác sĩ ở trạm y tế xã mãi thì cả đời họ không phát triển được. Có trạm có đến 3 bác sĩ Y học cổ truyền, 2 bác sĩ Sản mà Bác sĩ gia đình không có. Phải điều động bác sĩ cho đi học Bác sĩ gia đình”, Bộ trưởng nói. Bên cạnh đó, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống một thời gian khám để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới, đầu tư cơ sở vật chất - trang thiết bị y tế. Hiện chúng ta có Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 đã về tới huyện, tỉnh. Sắp tới, ngành Y tế sẽ phân công bác sĩ tuyến Trung ương về tuyến cơ sở khám, chữa các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Mục đích “kéo” bệnh nhân về, tăng chi trả cho người bệnh, tăng chất lượng để giảm tải cho tuyến trên.
Đến năm 2025, phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đến năm 2030, phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
(Trích Nghị quyết 20-NQ/TW)