Mục đích việc khám thai bao gồm:
1. Xác định tình trạng sức khỏe của mẹ, liệu những bệnh sẵn có của mẹ có nặng lên thêm trong thai kỳ, có làm mẹ khó khăn khi mang thai; cũng như phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe của mẹ.
2. Xác định sức khỏe của thai, sự phát triển của thai có bình thường hay không, phát hiện kịp thời các bất thường của thai.
3. Tiên lượng các vấn đề của mẹ và thai trong thai kỳ hay xa hơn, tiên lượng cuộc sanh sẽ xảy ra như thế nào, có gì bất lợi cần can thiệp y tế sớm hơn không.
Trong lúc khám thai sẽ có một số xét nghiệm cần làm. Hiểu được ý nghĩa của các xét nghiệm sẽ giúp các bà mẹ chấp nhận xét nghiệm dễ dàng hơn, cũng như không bỏ qua các thời điểm quan trọng cần làm xét nghiệm.
1/ Siêu âm trong thai kỳ
Đối với thai kỳ, siêu âm cho nhiều giá trị chẩn đoán và tiên đoán quí báu. Thông thường trong mỗi lần mang thai, tối thiểu cần có 3 lần siêu âm vào các khoảng sau: 10-12 tuần, 20-24 tuần và 30-32 tuần. Thời điểm siêu âm nên được tuân thủ sát sao để siêu âm mang lại nhiều giá trị hữu ích.
Lúc 10-12 tuần, thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, có thể nhìn thấy rõ tứ chi cùng với các đoạn một cách rõ ràng, những bất thường lớn có thể nhìn thấy ở thời điểm này. Việc đo các đường kính của thai cho phép tính tuổi thai chính xác, với độ sai lệch trong khoảng vài ngày (nếu để trễ qua các tháng sau, mức sai số có thể là 1-2 tuần). Hơn nữa, ở thời điểm này, việc đo khoảng mờ sau gáy có giá trị tiên lượng cho các bệnh lý tim mạch hay bất thường về nhiễm sắc thể (mà thường hay gặp nhất là bệnh Down). Khi khoảng này cao hơn 3mm, khả năng bệnh lý có thể lên đến 80%.
Vào lúc 20-24 tuần là lúc lượng nước ối có nhiều, thai đã khá lớn và di động rất tốt trong buồng tử cung, giúp cho việc quan sát thai khá tốt ở nhiều góc độ khác nhau, nên dễ dàng phát hiện các bất thường về hình thể thai. Hơn nữa, các nội tạng cũng đã khá phân biệt, nên rõ ràng để nhận ra trên siêu âm. Siêu âm giai đoạn này chủ yếu nhằm phát hiện các bất thường của thai. Sau đó, tùy tình hình bất thường có thể cần làm lại một lần siêu âm trong 2-4 tuần sau để xác định rõ hơn.
Lần siêu âm thứ ba (30-32 tuần) nhằm đánh giá sự phát triển thai, đa số các trường hợp suy dinh dưỡng thường được phát hiện vào lúc này (một số trường hợp bệnh lý đặc biệt sẽ có suy dinh dưỡng sớm hơn). Vị trí bánh nhau lúc này cũng sẽ được chẩn đoán chắc chắn hơn. Một số bất thường thai có thể xuất hiện hay phát triển muộn, sẽ được phát hiện tiếp vào lúc này.
Khi gần sanh cũng có thể có thêm một lần siêu âm để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối.
Nhiều thai phụ mong muốn siêu âm nhiều lần để biết chắc con mình khoẻ, để nhìn thấy được con mình trong mỗi lần khám thai. Nhu cầu này là có thực và thật ra cũng chính đáng. Tuy nhiên, siêu âm quá nhiều lần sẽ làm lãng phí tiền bạc, không có giá trị cao về theo dõi sức khoẻ thai. Cho đến ngày nay, chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy siêu âm có thể làm hại đến thai nhi, nhưng không vì thể mà chúng ta lạm dụng siêu âm.
Siêu âm là một biện pháp chẩn đoán hữu ích trong thai kỳ, chúng ta nên tận dụng tốt giá trị của siêu âm bằng cách tuân thủ thời điểm siêu âm. Không nên lạm dụng siêu âm chỉ để thoả mãn ý thích và nhu cầu, có thể gây tốn kém tiền bạc và có thể làm tăng lo lắng không đáng có.
2/ Xét nghiệm nước tiểu
Khi khám thai, thai phụ thường xuyên được làm xét nghiệm nước tiểu, hầu như ở mỗi lần khám thai. Đây là xét nghiệm cơ bản về nước tiểu. Xét nghiệm này khác với xét nghiệm thử thai bằng que nhúng vào nước tiểu.
Xét nghiệm rất dễ làm, có kết quả ngay sau vài phút, thường sử dụng loại xét nghiệm định tính, nghĩa là xem xét có các chất trong nước tiểu với kết quả có hay không có, hoặc có ở mức độ ít - nhiều mà không đòi hỏi chính xác về số lượng. Thường mục tiêu tập trung là xem trong nước tiểu có đường, đạm, vi khuẩn hay không.
Trước kia thường dùng loại que thử, 2 hay 3 thông số (chỉ trả lời 2 hay 3 chất): gồm tìm xem có đạm, đường để khảo sát tình trạng tiểu đường lúc mang thai hay khi có bệnh lý cao huyết áp kèm thêm tiểu đạm – là bệnh lý tiền sản giật thường gặp trên bà bầu (hay thêm vào pH của nước tiểu – pH sẽ tăng trong các trường hợp có nhiễm trùng). Về sau, các loại que xét nghiệm được thiết kế để trả lời nhiều thông số hơn, như bạch cầu, máu, thể ceton, nitrite... các kết quả sau này cho phép xác định sơ bộ tình trạng nhiễm trùng tiểu (bạch cầu, nitrite), mức độ trầm trọng của vàng da hay bệnh tiểu đường, một số dấu hiệu cho biết khả năng của bệnh lý thận .
Để làm xét nghiệm loại này, về phía thai phụ chỉ cần lấy nước tiểu giữa dòng, nghĩa là sau khi đi tiểu bớt một ít sẽ lấy phần nước tiểu tiếp đó để làm xét nghiệm. Mục đích bỏ đi phần nước tiểu đầu là nhằm giảm khả năng dây bẩn nước tiểu từ vùng sinh dục ngoài, vùng hậu môn, vốn rất gần với lỗ tiểu. Tay lấy nước tiểu nên rửa sạch cũng nhằm tránh việc dây bẩn. Nếu có điều kiện rửa sạch vùng kín trước khi đi tiểu thì càng tốt. Nếu nhớ được chi tiết của bữa ăn (khoảng cách bữa ăn tới lúc lấy nước tiểu, có ăn hay uống quá ngọt ... ) trước khi lấy nước tiểu sẽ càng tốt cho việc diễn giải chính xác kết quả xét nghiệm.
3/ Các xét nghiệm máu
Thường sẽ làm các xét nghiệm tìm bệnh lý nhiễm trùng của mẹ (thông thường nhất là HIV, Giang mai, Viêm gan siêu vi B). Các bệnh này nếu mẹ có nhiễm sẽ lây qua con trong lúc mang thai và gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho con. Nếu phát hiện mẹ nhiễm từ sớm, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được các tác hại cho con.
Sẽ làm thêm xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu máu của mẹ để có hướng bổ sung sắt thích hợp. Ngoài ra, còn tìm thêm các bệnh lý thiếu máu di truyền (tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng có thể lên đến 7%), mà nếu bố mẹ có bệnh sẽ di truyền cho con và có thể làm con bệnh nghiêm trọng đến có thể mất thai.
Cũng cần làm thêm việc định nhóm máu cho mẹ nhằm tạo thuận lợi cho việc truyền máu, nếu cần, trong lúc sanh.
Vào khoảng thai 6 tháng còn cần làm thêm xét nghiệm tìm bệnh tiểu đường thai kỳ; đây cũng là vấn đề sức khỏe khá mới tại nước ta. Cần biết tỷ lệ tiểu đường thai kỳ có thể lên tới 15%, không kiểm soát được lượng đường trong máu khi mang thai có thể đưa đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho con và mẹ.
Chăm sóc thai tích cực sẽ giúp bà mẹ có đầy đủ sức khỏe và thông tin, thêm tự tin trong thai kỳ; giúp phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe của mẹ và thai. Chăm sóc thai kỳ là một trong các yếu tố cần để có được kết quả “mẹ tròn con vuông”.