Chuyên gia sản khoa cảnh báo hệ lụy sức khỏe khi nhiều mẹ bầu chọn đẻ mổ

Chuyên gia sản khoa cảnh báo hệ lụy sức khỏe khi nhiều mẹ bầu chọn đẻ mổ

Hội nghị sản phụ khoa Việt- Pháp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14-15/5 với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là các giáo sư, bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đây là sự kiện khoa học Y học thường niên lớn được BV Phụ sản TW và Hội sản phụ khoa Pháp phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp là một diễn đàn y học quốc tế có uy tín, là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến các hoạt động chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và phát triển chuyên ngành sản phụ khoa…

Hội nghị cũng là cơ hội để các bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa của Việt Nam được học hỏi thêm kinh nghiệm cũng như các kỹ thuật mới của các chuyên gia quốc tế.

PGS.TS Vũ Bá Quyết- Giám đốc BV Phụ sản TW cho biết, Hội nghị sản phụ khoa Việt- Pháp năm 2018 gồm 5 chuyên đề về phụ khoa, phụ khoa- phẫu thuật nội soi, hỗ trợ sinh sản, nội tiêt- mãn kinh và sơ sinh, chẩn đoán trước sinh và sản khoa và 3 hội thảo vệ tinh về chăm sóc sức khỏe phụ nữ với 75 bài báo cáo khoa học của các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia trong nước và quốc tế như Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Bỉ, Philippin... về các đề tài mang tính thời sự trong lĩnh vực sản - phụ khoa, hỗ trợ sinh sản, mãn kinh, dinh dưỡng, ung thư sinh dục, sơ sinh, chẩn đoán trước sinh, kế hoạch hóa gia đình, khoa học Điều dưỡng về chăm sóc thai phụ, trẻ sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Các chuyên đề thảo luận đã diễn ra sôi động tại các hội nghị vệ tinh, mang lại cho các đại biểu tham dự nhiều gợi mở, nhiều kiến thức quý giá trong hoạt động khám, tư vấn, điều trị, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật…

Bên lề Hội nghị sản khoa Việt-Pháp, PGS.TS Vũ Bá Quyết cho biết tỉ lệ sản phụ được bác sĩ mổ phẫu thuật lấy thai chủ động ngày càng nhiều. Trong số 10 bà bầu nhập viện để chờ sinh thì có 9 người xin bác sĩ được đẻ mổ.

Theo giám đốc BV Phụ sản TW, tuy mổ đẻ tránh cho người mẹ những cơn đau khi sinh nở nhưng sau đó lại làm sản phụ đau đớn hơn nhiều so với cách sinh thường. Mổ đẻ còn có thể gây dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung, khiến lần mang thai sau dễ gặp tai biến do nứt sẹo

Nghiên cứu của PGS.TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc BV Phụ sản TW và các cộng sự về “Nhận xét thực trạng mổ lấy thai tại BV Phụ sản TW năm 2017” tại hội nghị cho thấy, trong số 21.722 các trường hợp đẻ tại BV Phụ sản TW năm 2017, có gần 11.200 (chiếm gần 55%) các trường hợp phẫu thuật mổ lấy thai. Trong số các ca phẫu thuật lấy thai có hơn 55% phẫu thuật chủ động. Khoảng 65% nhóm phẫu thuật lấy thai chủ động có tiền sử từng sinh mổ trước đó, nhóm phẫu thuật lấy thai lần đầu chiếm tới 46%, nhóm hỗ trợ sinh sản phẫu thuật chủ động là gần 27%, nhóm đa thai tỉ lệ phẫu thuật lấy thai là gần 63%...

Theo nghiên cứu này cho biết, so với các nghiên cứu trước đây, tỉ lệ đẻ mổ đã tăng lên đáng kể so với nghiên cứu năm 1997 là 25,2% và năm 2004 là 37%, năm 2012 là 23%. Tỉ lệ mổ đẻ ở Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới như Mỹ: 32%, Anh: 26%. Trong đó các yếu tố làm tăng tỉ lệ phẫu thuật lấy thai chủ động là do sản phụ từng mổ đẻ, hỗ trợ sinh sản, song thai…

Các chuyên gia sản khoa cảnh báo nhiều hệ lụy sức khỏe cho cả sản phụ và trẻ khi đẻ mổ

Nghiên cứu này cũng đưa thông tin, dù dù tỉ lệ tai biến do phẫu thuật lấy thai có giảm nhờ tiến bộ của khoa học. Tuy nhiên việc chỉ định quá mức các chỉ định phẫu thuật lấy thai cũng có những bất lợi nhất đinh, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh như chảy máu, nhiễm khuẩn vết mổ… hay các nguy cơ có thể gặp về sau như rau cài răng lược, chửa vết sẹo mổ… hay các tai biến cho sơ sinh như suy hô hấp sau mổ.

Nghiên cứu này cho thấy, trong số nhiều nguyên nhân tỷ lệ phẫu thuật lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản TW còn cao so với thế giới, có cả yếu tố một số ít trường hợp được ghi nhận là bênh nhân muốn phẫu thuật lấy thai sớm do quan niệm mê tín, muốn chọn ngày giờ đẹp và gây nên áp lực rất nhiều cho thầy thuốc