Chuyện ít biết về một kỳ tích mới của ngành Y

Chuyện ít biết về một kỳ tích mới của ngành Y

Chỉ trong gần một tháng (từ ngày 16/5 đến 13/6), Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã tiếp nhận mô tạng của 4 bệnh nhân chết não. Con số còn khiêm tốn nhưng đây là một kỳ tích chưa từng có tại Việt Nam - trong khoảng thời gian ngắn bệnh viện này đã tiếp nhận nguồn tạng từ 4 người hiến chết não đem lại cơ hội sống cho 16 bệnh nhân.

 


Ca ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế thành công khiến đội ngũ y bác sĩ trong phòng mổ vỡ òa sung sướng, hạnh phúc. Ảnh: TT Điều phối Ghép tạng Quốc gia

Ca ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế thành công khiến đội ngũ y bác sĩ trong phòng mổ vỡ òa sung sướng, hạnh phúc. Ảnh: TT Điều phối Ghép tạng Quốc gia

4 cái chết hồi sinh 16 sự sống

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mới đây 4 người chết não đã hiến 8 quả thận, 4 lá gan và 4 quả tim để bệnh viện này ghép gan, tim, thận cho 14 bệnh nhân và giúp Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim cho 2 bệnh nhân khác. Số tạng từ những người hiến này đã được ghép cho 16 bệnh nhân trong đó 4 bệnh nhân suy tim, 4 bệnh nhân suy gan và 8 bệnh nhân suy thận. Theo tìm hiểu của PV, hiện 2/3 số bệnh nhân được ghép tạng nói trên đã xuất viện.

PGS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thông tin, trong số 4 người ghép gan có 3 người trong tình trạng hôn mê gan (gan ngừng hoạt động). Đây là những bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong cận kề. Sau ghép gan, hiện sức khỏe những bệnh nhân này đang hồi phục rất tốt.

Trước đây, hàng năm chỉ có một vài ca hiến tạng nhưng trong một tháng vừa qua Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 4 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não. Điều này cho thấy người dân đã có cái nhìn cởi mở hơn về việc hiến tạng như một hành động nhân văn, sự sẻ chia để hồi sinh sự sống.

Trong số những người nhận tạng, có 2 quả tim đã được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế ghép cho bệnh nhân có chỉ số phù hợp với người hiến tạng. Trong đó, ca ghép tim gần nhất mà Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia (Bệnh viện Việt Đức) đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế để cứu sống một bệnh nhân 15 tuổi có trái tim to gấp 3 lần bình thường. Trái tim được hiến là của một nam thanh niên không may bị tai nạn. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hết lòng cứu chữa nhưng anh vẫn không thể qua khỏi. Gia đình đã tình nguyện hiến tặng toàn bộ mô/tạng của anh.

Sau khi khớp nối các thông tin trên “Danh sách chờ ghép tạng Quốc gia”, xác định có 2 bệnh nhân nặng đang cấp cứu ở BV TW Huế và BV Chợ Rẫy đủ điều kiện tiếp nhận tạng khẩn cấp, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia (ĐPGTQG) đã quyết định điều chuyển trái tim của thanh niên nói trên tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho bệnh nhân có chỉ số ưu tiên cao nhất.

Người nhận là bệnh nhi 15 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối, mang một trái tim có kích cỡ khác thường khiến lồng ngực nhô cao. Bệnh nhi này nhiều lần phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và rồi trái tim được hiến đã đập lại trong lồng ngực của bệnh nhân một cách kỳ diệu.

Hiến tạng có nghĩa là mình đã không chết uổng


Vietnam Airline dành một ghế miễn phí cho thùng đựng tạng để kíp bác sỹ có thể chăm sóc và bảo quản tạng trong suốt quá trình di chuyển từ Hà Nội vào Huế.

Vietnam Airline dành một ghế miễn phí cho thùng đựng tạng để kíp bác sỹ có thể chăm sóc và bảo quản tạng trong suốt quá trình di chuyển từ Hà Nội vào Huế.

Trở lại chuyện thanh niên đã có gia đình bị tai nạn chết não và người vợ tình nguyện hiến tạng của chồng để cứu sống bệnh nhân 15 tuổi ở Huế như đã nói ở trên đã để lại sự nể phục trong lòng mọi người. Nhưng phía sau đó là câu chuyện mà người vợ này phải nuốt nước mắt nỗ lực vượt qua.

Đó là trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Khiêm, 29 tuổi, quê ở thôn Hà Lý, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Gần một tháng sau ca ghép tim ngoạn mục ấy, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thu Hằng, vợ của anh Khiêm. Nỗi đau chồng đã mãi mãi đi xa chưa thể nguôi ngoai, nhưng trong sâu thẳm, chị cảm thấy anh vẫn còn đâu đó trên cõi đời này và đồng hành cùng vợ con.

Kể lại thời điểm khó khăn ấy, chị Hằng tâm tư: “Các bác sỹ cho biết chồng tôi đã bị chết não, không thể sống lại được. Bây giờ có rất nhiều người cần nội tạng để tiếp tục sống. Gia đình có thể hiến được không? Lúc đầu, tôi không đồng ý bởi chỉ nghĩ đến đã đủ đau xót lắm rồi. Nhưng sau nhiều ngày suy nghĩ thấy việc làm đó cứu sống được mạng người chẳng phải là việc tốt sao? Người đầu tiên tôi trao đổi hiến tạng là mẹ chồng mình. Thật trùng hợp, bà đồng ý vì cho rằng đó là việc làm phúc”.

Điều Hằng buồn nhất là chị bị mang tiếng oan. “Không ít người làng không hiểu, cho rằng tôi đã bán nội tạng của chồng lấy tiền. Buồn là những lời đó thường do người lớn tuổi nói, là thế hệ trước nên không biết nhiều đến hoạt động hiến tạng hiện không còn xa lạ ở Việt Nam. Ban đầu, những lời đồn này khiến tôi rất đau lòng, không ít lần phải bật khóc, chán nản. Nhưng rồi, một phần cơ thể anh vẫn còn sống trong cơ thể ai đó, có nghĩa là anh không hoàn toàn biến mất. Nhờ có bộ phần cơ thể của anh mà người khác được cứu sống, có nghĩa là cái chết của anh không hoàn toàn vô ích, suy nghĩ đó khiến tôi được an ủi. Tôi tin anh cũng đồng ý với quyết định của vợ và gia đình mình", chị Hằng tâm sự.

 

Chồng mất khi chị Hằng mới 27 tuổi, một mình nuôi 2 con nhỏ. Chị là công nhân làm ca từ 8h sáng cho đến 4h30 chiều. Nhiều hôm, phải tăng ca đến 10h30 chị mới về đến nhà. “Sau ngày chồng mất, thiếu thốn tình cảm đã đành, cuộc sống càng thêm khó khăn. Lương của tôi chỉ đủ cho 2 đứa nhỏ. Bố chồng, anh trai chồng tôi không đủ sức khỏe để đi làm nên tôi và mẹ chồng vẫn đang xoay xở kiếm thêm thu nhập cho cả gia đình 3 thế hệ, khiến cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn".

Hằng cho biết, ngoài việc lao động kiếm tiền nuôi con ăn học, về lâu dài cô đang lên kế hoạch để hiến tạng khi mình nằm xuống để có thể giúp ích cho đời. Chia sẻ với chúng tôi Hằng cũng tâm tư, thật sự rất muốn biết ai là người nhận một phần cơ thể của chồng để hồi sinh, để được an ủi, cảm nhận, dẫu biết là không được phép.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ năm 2010 đến nay đã có 40 bệnh nhân chết não hiến tạng. Hàng trăm bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối đã được ghép tạng thành công. So với thế giới tỷ lệ sống sau ghép của Việt Nam tương đương, thậm chí cao hơn. Bệnh nhân ghép gan tỷ lệ sống sau 5 năm là 78% và sau 10 là 68%. Bệnh viện Việt Đức đã ghép được 590 ca ghép thận, gần 53 ca ghép gan và 19 trường hợp ghép tim.