Hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6: Thiếu vi chất dinh dưỡng vì sao và phòng chống thế nào?

Hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6: Thiếu vi chất dinh dưỡng vì sao và phòng chống thế nào?

Vì sao cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng?

Vi chất dinh dưỡng (VCDD) cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống. Nhưng vì sao cơ thể lại thiếu vi chất dinh dưỡng?

Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các VCDD quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn. Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Bên cạnh đó, VCDD từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn VCDD có giá trị sinh học cao, đặc biệt đối với người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.

Cho trẻ uống vitamin A trong Ngày vi chất dinh dưỡng. Ảnh: TM

Cho trẻ uống vitamin A trong Ngày vi chất dinh dưỡng. Ảnh: TM

Hậu quả thiếu VCDD là gì?

Việc thiếu một số VCDD quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, folate, kẽm mặc dù rất khó phát hiện, song có thể đưa đến những hậu quả to lớn. Thiếu VCDD có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Thiếu VCDD ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Thiếu sắt và iốt làm giảm chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em từ 10-15 điểm. Chính vì các hậu quả nghiêm trọng nói trên, thiếu VCDD là nguyên nhân làm giảm 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Giải quyết được tình trạng thiếu VCDD trong cộng đồng sẽ làm tăng năng suất lao động dẫn tới tăng lương từ 5-50% và giúp tới 33% trẻ em có thể thoát nghèo khi trưởng thành (theo Trung tâm Thống kê quốc tế Đan Mạch, 2012).

Các giải pháp phòng chống thiếu VCDD

Uống bổ sung VCDD là một giải pháp ngắn hạn quan trọng

Biện pháp này có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu VCDD. Chương trình uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc. Nhờ chương trình này, trẻ em Việt Nam từ 6 - 36 tháng tuổi được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao 1 năm 2 lần vào ngày 1/6 và ngày 1/12. Người dân cần tích cực đưa con tham gia ngày VCDD để được sử dụng vitamin A, chủ động mua và sử dụng viên sắt, viên đa vi chất hoặc bột bổ sung đa vi chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Tăng cường VCDD vào thực phẩm

Trong đó, các thực phẩm như muối, nước mắm, nước tương (xì dầu), hạt nêm, dầu ăn, bột mì… được bổ sung iốt, sắt, kẽm, vitamin A và phân phối trên toàn quốc. Đây là một giải pháp trung hạn có tính ưu việt cao do có sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định bắt buộc tăng cường VCDD như vitamin A, sắt, kẽm và  iốt vào dầu ăn, bột mỳ và muối. Người dân chủ động phòng chống thiếu VCDD nâng cao sức khỏe cho bản thân và cho gia đình bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, tìm mua và sử dụng các thực phẩm tăng cường VCDD theo khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan quản lý liên quan.

Đa dạng hóa bữa ăn

Sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu VCDD trong bữa ăn hàng ngày là giải pháp tự nhiên nhất nhằm cung cấp đủ VCDD cho nhu cầu của cơ thể.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý và phòng chống thiếu VCDD được triển khai thường xuyên và đẩy mạnh thông qua các hoạt động dinh dưỡng được Chính phủ phê duyệt như Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia 2010-2020.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiếu VCDD bao gồm uống bổ sung các loại VCDD, sử dụng thực phẩm tăng cường VCDD, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế là cần thiết nhằm ngăn chặn “nạn đói tiềm ẩn” đang có nguy cơ ảnh hưởng tới tầm vóc và trí tuệ người Việt Nam.

Với đối tượng trẻ nhỏ

Để phòng chống thiếu VCDD cho trẻ nhỏ, trước tiên, cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này. Mặt khác, bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con. Bà mẹ trong vòng 1 tháng đầu sau đẻ cũng cần được uống vitamin A liều cao (200.000 đv) và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh để phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi, tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng, đa dạng hóa bữa ăn, thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống nhiễm giun, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng rất quan trọng vì nó liên quan đến tình trạng dinh dưỡng nói chung và thiếu vi chất của trẻ nhỏ nói riêng.

Giải pháp bổ sung vitamin A cho trẻ đợt 1 (1-2/6/2018): trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi ở 41 tỉnh thành; trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ SDD thấp còi cao) uống vitamin A theo hướng dẫn của cán bộ y tế và trẻ từ 24 - 60 tháng ở 22 tỉnh khó khăn uống thuốc tẩy giun. Thanh toán được thiếu VCDD sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em.

 

Khuyến cáo các biện pháp cụ thể để phòng chống thiếu VCDD:

1. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường VCDD.

2. Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

3. Sử dụng các thực phẩm giàu VCDD cho bữa ăn bổ sung của trẻ. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitaminA, vitaminD.

4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitaminA liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng uống 1 liều vitamin A.

5. Trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Ngày 1-2/6, hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường.