Thời tiết Hà Nội, các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang cao hơn trung bình hằng năm, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức trên 40 độ (thậm chí ứng dụng thời tiết trên điện thoại di động đã cảm nhận nhiệt độ ngoài trời giữa trưa 2-7 ở quận Tây Hồ lên tới trên 45 độ).
Đây là kiểu thời tiết dễ gây các chứng bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng như say nắng, hô hấp, tim mạch, đột quỵ...
Nên uống nhiều nước
Bác sĩ Trần Anh Thắng, phó giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội, cho hay tính từ 29-6 (là những ngày nóng nhất trong mùa hè này) đến nay chưa có trường hợp cấp cứu do say nắng gọi trung tâm vận chuyển cấp cứu, nhưng đã có một số người bị sốt do nắng nóng, hoặc bị choáng sau khi đi ngoài trời nắng. Sáng 3-7, người đi đường ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cũng đã hỗ trợ một trường hợp bị mệt do nắng nóng.
So với những ngày đỉnh điểm nắng nóng của năm 2017, năm nay ngày nóng nhất ở Hà Nội đến muộn hơn gần một tháng. Những ngày nắng nhất năm 2017 đã có hai ca tử vong ở Hà Nội và Tuyên Quang do say nắng, ba người khác phải vào viện cấp cứu do bị choáng vì nắng nóng quá mức.
Ông Thắng hướng dẫn trong những ngày nắng nóng, tùy điều kiện làm việc và thời gian tiếp cận với môi trường nắng nóng để bù nước, nhưng lượng nước sử dụng phải cao hơn so với ngày bình thường. Ông Thắng cũng cho biết nếu không có gì thật cần thiết, người dân không nên ra ngoài nắng ở thời điểm từ 10h-15h hằng ngày. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời nắng, ông Thắng đề nghị người dân phải đội mũ, che nắng bằng áo chống nắng, khẩu trang và phải bù đủ nước để tránh hiện tượng mất nước.
Cẩn thận bệnh lý do nắng nóng
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, trẻ em, người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính như huyết áp, béo phì, tiểu đường là những nhóm dễ bị biến chứng nếu tiếp xúc trong thời gian dài với thời tiết nắng nóng. Bác sĩ hướng dẫn không nên đứng trong nhóm đông người trong môi trường nóng bức hoặc đứng dưới ánh nắng trực tiếp. Nên hạn chế các hoạt động cần nhiều thể lực và nếu phải hoạt động ngoài trời, cần tìm nơi râm mát để nghỉ tránh nắng sau một thời gian hoạt động ngoài trời.
Với trẻ em, nguy cơ say nắng ở trẻ dưới 4 tuổi cao hơn trẻ khác do diện tích cơ thể/cân nặng cao, với nhóm trẻ này nếu các cháu có chương trình vận động, chơi ngoài trời cần cung cấp 0,5-1lít nước/giờ/cháu, các cháu bé chưa biết tự tìm nước uống thì cha mẹ, người chăm sóc cần canh thời gian để cho trẻ uống nước, nên sử dụng quần áo nhẹ, thoáng mát và thấm mồ hôi.
Các trường hợp dễ có nguy cơ say nắng và lả nhiệt, theo bác sĩ Chính, là người lao động, tập luyện ngoài trời nắng, mặc quần áo quá dày, bí, không uống đủ nước, người già, trẻ em, người mắc các bệnh mãn tính như béo phì, rối loạn nội tiết hoặc đang sử dụng một số thuốc ảnh hưởng tới sự tiết mồ hôi. Nếu gặp tình trạng say nắng say nóng, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được chăm sóc.
Nắng nóng khiến trẻ em nhập viện tăng cao (ảnh chụp tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Tại Hà Tĩnh, nhiệt độ luôn ở mức 37-40 độ C. Thời tiết nắng nóng đã khiến trẻ em nhập viện điều trị bắt đầu tăng cao. Tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, có ngày cao điểm lên tới 100 bệnh nhi đến để khám, trong đó có khoảng 20% phải nhập viện điều trị. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện chủ yếu bị sốt, viêm đường hô hấp và tiêu chảy là do nền nhiệt tăng cao thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm…