Nhiều người không nói với chồng, không cảm thấy buồn đau
Do ngại dùng các biện pháp tránh thai, P.M.H (Yên Lãng, Hải Phòng) có thai ngoài ý muốn. Cái thai đã hơn 12 tuần tuổi đang dần dần hoàn thiện trong cơ thể H. Thế nhưng, ở vị trí một sinh viên năm cuối, còn nhiều cơ hội tương lai rộng mở, với H. thời điểm đó, phá thai là con đường duy nhất cứu vãn tương lai của mình. H. quyết định làm thủ thuật bỏ con dù bác sĩ khuyên cản.
Trường hợp như H. không thiếu, nhất là khi Việt Nam đang đứng nhất nhì trên Thế Giới về tỉ lệ nạo phá thai. Có những em học sinh cuối cấp 2, cấp 3… đã phải nạo phá thai vì sự thiếu hiểu biết về giáo dục giới tính.
Nhưng điều đáng nói, với không ít trong số đó, phá thai lại là quyết định tốt nhất trong cuộc sống của họ. Họ không buồn, không nuối tiếc, đơn giản chỉ là bỏ một đứa trẻ chưa thành hình.
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển công cộng, có tới 10% cuộc mang thai phải kết thúc trong bàn nạo phá. Và ước tính, cứ 1.000 trẻ đẻ ra thì 116 trẻ chưa thành hình bị “vứt bỏ”.
Cũng theo nghiên cứu của bà Trần Thị Thu Hà, chỉ có hơn một nửa số phụ nữ cảm thấy buồn sau bỏ thai còn lại, họ cảm thấy nhẹ nhóm hoặc không cảm thấy gì.
“Nhiều người phụ nữ chỉ nghĩ đơn thuần rằng phá thai là họ mất đi một đứa con. Nhưng đằng sau sự bỏ đi ấy, họ còn phải gặp sự sang chấn về tinh thần, đối mặt với nguy cơ vô sinh sau nạo phá, thêm nữa, xác xuất vết nạo gây bào mòn tử cung khiến phụ nữ gặp nhiều nguy cơ tai biến, ung thư sau này’ - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển công cộng cho biết.
Bà cũng cho rằng, con số những người cảm thấy nhẹ nhõm, không cắn rứt trước việc nạo phá thai, lí dơn vì với họ chưa sẵn sàng mang thai và việc phải làm nạo phá là quyết định tốt nhất.
“Đáng mừng là họ đã tìm đến cơ sở y tế để nạo phá thai nhưng đáng lo hơn cả, khi họ tìm con đường đó để giải thoát cho thấy họ vẫn sẽ tiếp tục nạo phá thai ở lần sau”, bà Trần Thị Thu Hà nhận định.
Cũng theo chuyên gia, ngoài tâm thế hững hờ của nhiều phụ nữ, có một con số không nhỏ, khoảng 14% phụ nữ không chia sẻ việc bỏ thai với chồng hoặc bạn trai của mình.
“Đó cũng là một mảng tối trong câu chuyện nạo phá thai thời hiện đại, điều đó cho thấy phụ nữ Việt Nam đang âm thầm chịu đựng, thiếu sự quan tâm, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe của chồng, bạn trai và đây là yếu tố đáng lo ngại về mặt bình đẳng giới ở Việt Nam” – bà Hà cho biết thêm.
Trách nhiệm tránh thai mới chỉ dừng nữ giới
Theo nghiên cứu, hiện nay, tỉ lệ người phụ nữ Việt Nam kết hôn lần đầu hiện nay là 22 tuổi và tuổi mang thai lần đầu cũng trong khoảng đó, cho thấy người phụ nữ Việt Nam sau khi kết hôn thường có thai ngay sau đó. Nhưng với việc có thai ngay, nếu người phụ nữ chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện sinh nở sẽ dẫn tới việc bỏ con.
“Nhiều phụ nữ dùng biện pháp tránh thai nhưng không liên tục, sử dụng chưa đúng cách, không tái kiểm tra… vô tình dẫn tới có thai ngoài ý muốn. Khi không đảm bảo đầy đủ điều kiện về vật chất, tinh thần..., nhiều người không thể giữ gìn để tiếp tục sinh con”, bà Trần Thị Thu Hà nhận định.
Theo chuyên gia, để xảy ra thực trạng đó, do tư tưởng phòng tránh thai vẫn giao cho người phụ nữ đảm nhiệm. Trong khi đó, khi sử dụng một số biện pháp phòng tránh, khi chưa hiểu tác dụng phụ của các biện pháp trên, họ dễ gián đoạn gây giảm hiệu quả của biện pháp tránh thai…
Trên thực tế, tỉ lệ nam giới sử dụng biện pháp tránh thai còn rất ít, phần lớn mới chỉ dừng ở việc sử dụng bao cao su…
Để giải quyết vấn nạn nạo phá thai, Bộ Y tế, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cũng cần có các quy định, chính sách, chương trình sát thực, cụ thể hơn, thực hiện thêm các hoạt động truyền thông thúc đẩy nam giới tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình như dùng bao cao su, thắt ống dẫn tinh… Để từ đó, Việt Nam có thể cân bằng tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai trong dân số.