Sức Khỏe của Xương cho Cuộc Sống

Sức Khỏe của Xương cho Cuộc Sống

Chứng Loãng Xương Là Gì?

Có nhiều loại bệnh về xương. Bệnh phổ biến nhất là chứng loãng xương (osteoporosis, phát âm là AH-stee-oh-por-OH-sis). Khi bị loãng xương, xương của chúng ta trở nên yếu đi và có nhiều khả năng bị gãy hơn. Những người bị loãng xương thường bị gãy xương nhất là ở cổ tay, cột sống và hông.

Xương của chúng ta hoạt động. Mỗi ngày, cơ thể chúng ta hủy đi xương cũ và tạo ra xương mới vào đúng vị trí. Khi chúng ta càng lớn tuổi, lượng xương bị phá hủy nhiều hơn lượng xương được tạo ra để thay thế. Khi chúng ta già đi thì việc mất đi lượng xương nhất định là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thực hiện các bước để giữ cho xương được khỏe mạnh thì chúng ta có thể mất quá nhiều lượng xương và mắc chứng loãng xương.

Nhiều người có xương yếu và thậm chí không biết đến điều này. Đó là bởi vì chứng mất xương thường xảy ra trong một thời gian dài và không gây đau đớn. Đối với nhiều người thì xương gãy là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ mắc chứng loãng xương.

Những yếu tố rủi ro mà quý vị có thể kiểm soát:

  • Chế độ ăn. Nạp quá ít lượng canxi có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng loãng xương của quý vị. Không nạp đủ lượng vitamin D cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của quý vị. Vitamin D rất quan trọng bởi vì vitamin D giúp cơ thể sử dụng lượng canxi trong chế độ ăn của quý vị.
  • Hoạt động thể chất. Không tập thể dục và không hoạt động trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng loãng xương của quý vị. Cũng giống như cơ bắp, xương trở nên cứng cáp hơn—và luôn cứng cáp hơn—khi tập thể dục thường xuyên.
  • Trọng lượng cơ thể. Cơ thể quá gầy khiến quý vị có nhiều khả năng mắc chứng loãng xương hơn.
  • Hút thuốc. Hút thuốc có thể khiến cơ thể quý vị không sử dụng được lượng canxi trong chế độ ăn của quý vị. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc sẽ xuất hiện thời kỳ mãn kinh sớm hơn những phụ nữ không hút thuốc. Những việc này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng loãng xương của quý vị.
  • Rượu. Những người uống nhiều rượu có nhiều khả năng mắc chứng loãng xương hơn.
  • Thuốc. Một số thuốc có thể gây mất xương. Những loại thuốc này bao gồm một loại thuốc có tên gọi là glucocorticoids (phát âm là gloo-ko-KOR-ti-koids). Glucocortiocoids được cấp cho những người bị bệnh viêm khớp, hen suyễn và nhiều bệnh khác. Một số loại thuốc khác giúp ngăn chặn cơn co giật và điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung (endometriosis, phát âm là en-do-me-tree-O-sis), một căn bệnh của tử cung và ung thư cũng có thể gây mất xương.
  • Các yếu tố rủi ro mà quý vị không thể kiểm soát:

  • Tuổi tác. Nguy cơ mắc chứng loãng xương của quý vị tăng lên khi quý vị già đi.
  • Giới tính. Quý vị có nhiều nguy cơ mắc chứng loãng xương hơn khi quý vị là phụ nữ. Phụ nữ có xương nhỏ hơn so với nam giới và quá trình mất xương diễn ra nhanh hơn nam giới do quá trình thay đổi hooc-môn diễn ra sau thời kỳ mãn kinh.
  • Dân tộc. Phụ nữ da trắng và phụ nữ Châu Á có nhiều khả năng mắc chứng loãng xương nhất. Phụ nữ gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng như phụ nữ Châu Mỹ gốc Phi cũng có nguy cơ, nhưng ít hơn.
  • Tiền sử gia đình. Có thành viên ruột thịt trong gia đình mắc chứng loãng xương hoặc bị gãy xương cũng có thể làm tăng nguy cơ của quý vị.

Tôi Có Thể Làm Gì để Xương Của Tôi Được Khỏe Mạnh Hơn?

Không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để chăm sóc xương của quý vị. Các bước sau đây có thể giúp quý vị cải thiện sức khỏe xương của mình:

  • Thực hiện chế độ ăn cân bằng giàu canxi và vitamin D. Các nguồn canxi dồi dào bao gồm các sản phẩm bơ sữa có hàm lượng chất béo thấp và các loại đồ ăn và thức uống có bổ sung canxi. Các nguồn vitamin D dồi dào bao gồm lòng đỏ trứng, cá nước mặn, gan động vật và sữa có vitamin D. Một số người có thể cần dùng các loại bổ sung dinh dưỡng để nạp đủ lượng canxi và vitamin D. Các biểu đồ dưới đây cho biết các nguồn thực phẩm bổ dưỡng chứa canxi cũng như lượng canxi và vitamin D cần thiết cho quý vị mỗi ngày. Trái cây và rau củ cũng cung cấp các chất dinh dưỡng khác mà đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe của xương.
  • Hoạt động thể chất nhiều. Cũng giống như cơ bắp, xương trở nên cứng cáp hơn khi tập thể dục. Các bài tập thể dục tốt nhất để xương khỏe mạnh là bài tập thể lực và tăng sức chịu nặng, như đi bộ, leo cầu thang, nâng tạ và khiêu vũ. Cố gắng dành ra 30 phút để tập thể dục mỗi ngày.
  • Sống một lối sống lành mạnh. Không hút thuốc và nếu quý vị chọn uống rượu thì đừng uống quá nhiều.
  • Trao đổi với bác sĩ của quý vị về sức khỏe của xương quý vị. Hãy xem xét các yếu tố rủi ro với bác sĩ của quý vị và hỏi bác sĩ xem liệu quý vị có cần kiểm tra mật độ xương không. Nếu quý vị cần thì bác sĩ của quý vị có thể kê đơn thuốc để giúp ngăn ngừa mất xương và giảm các nguy cơ gãy xương của quý vị.
  • Ngăn ngừa té ngã. Té ngã có thể khiến xương bị gãy, đặc biệt là đối với những người mắc chứng loãng xương. Nhưng hầu hết các trường hợp té ngã có thể ngăn chặn được. Hãy kiểm tra ngôi nhà của quý vị để phát hiện những mối nguy hiểm chẳng hạn như thảm không bám dính và thiếu ánh sáng. Hãy kiểm tra cả thị lực của quý vị. Tăng sự cân bằng và thể lực của quý vị bằng cách đi bộ mỗi ngày và tham gia các lớp học như Thái Cực Quyền, yoga hoặc khiêu vũ.