Tiêm ngừa viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Để bảo vệ sức khỏe của bé yêu, cha mẹ nên cho trẻ tiêm mũi Viêm gan B ngay trong vòng 24h sau sinh. Vậy tiêm vacxin viêm gan B mấy lần là đủ? Mỗi mũi tiêm cách thời gian bao lâu?
1. Viêm gan B lây truyền qua những đường nào?
Viêm gan B có tốc độ lây nhiễm nhanh. Dù có cùng cách thức truyền bệnh với virus HIV nhưng khả năng lây nhiễm của viêm gan B cao gấp 50 - 100 lần HIV. Những con đường lây truyền Viêm gan B bao gồm:
- Lây nhiễm từ mẹ sang con: Tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con tăng dần vào các tháng cuối thai kỳ, đặc biệt trong quá trình sinh nở. Do đó, mẹ cần xét nghiệm viêm gan B trước khi mang thai để có các biện pháp bảo vệ bé.
- Lây truyền qua đường tình dục: virus viêm gan B có thể tồn tại trong tinh dịch và dịch âm đạo và dễ dàng lây lan qua hoạt động tình dục đồng giới hay khác giới.
- Lây truyền qua đường máu: dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu, tiếp xúc với các vết xước, vết thương hở,...
2. Tiêm vacxin viêm gan B mấy lần là đủ?
2.1 Lộ trình tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ
- Trường hợp mẹ không nhiễm viêm gan B:
Liều sơ sinh được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc sớm nhất có thể nếu trẻ phải trì hoãn tiêm vacxin viêm gan B
Liều thứ 2, 3, 4 có thể tiêm với vắc xin phối hợp chứa thành phần viêm gan B (vắc xin 6 trong 1 hoặc vắc xin 5 trong 1) bắt đầu tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 1 tháng.
Liều cuối cùng nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi với vắc xin 6 trong 1 ( khuyến cáo nên hoàn thành trước 24 tháng tuổi).
- Trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B
Trong giai đoạn mang thai, viêm gan B lây từ mẹ sang con với tỉ lệ rất thấp, thường không quá 2%. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dạ của người mẹ, khả năng lây nhiễm rất cao. Do đó, nếu người mẹ bị viêm gan B, cần tiêm vắc xin và huyết thanh kháng viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, tốt nhất là 12 giờ để đảm bảo trẻ không bị lây bệnh. Thời điểm tiêm càng trễ, hiệu lực của vắc xin càng giảm:
- Tiêm vắc xin trong 24 giờ đầu sẽ phòng được 85 - 90% sự lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con
- Tiêm vắc xin ngày hôm sau (48 giờ), hiệu lực vắc xin giảm 50 - 57% mỗi ngày
Trình tự tiêm phòng viêm gan B cho trẻ khi người mẹ mang virus viêm gan B có thể theo 2 phác đồ như sau:
Phác đồ 1: 0-1-2-12
- Liều sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ, tốt nhất là 12 giờ sau sinh. Cần tiêm phối hợp cùng huyết thanh kháng viêm gan B.
- Liều thứ 2 được tiêm khi trẻ đủ 1 tháng tuổi.
- Liều thứ 3 tiêm khi trẻ được đủ 2 tháng tuổi.
- Liều thứ 4 tiêm cách liều thứ 3: 12 tháng.
Phác đồ 2: 0-1-6-18
- Liều sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ, tốt nhất là 12 giờ sau sinh. Cần tiêm phối hợp cùng huyết thanh kháng viêm gan B.
- Liều thứ 2 được tiêm khi trẻ đủ 1 tháng tuổi.
- Liều thứ 3 tiêm khi trẻ được 6 tháng tuổi.
- Liều thứ 4 tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.
- Sau tiêm liều thứ 4 ít nhất 1 tháng có thể xét nghiệm HBsAg và HBsAb để xác định trẻ có bị nhiễm viêm gan B không và hiện đã có đủ kháng thể kháng virus viêm gan B giúp bảo vệ trẻ chưa?
Lưu ý do vắc xin viêm gan B không tạo đáp ứng miễn dịch suốt đời vì lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian nên sau 5 năm cần cho trẻ xét nghiệm kháng thể chống virus viêm gan B (HBsAb). Nếu kháng thể HBsAb < 10mUI/ml cần tiêm nhắc lại 1 liều vắc xin để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
2.2 Lộ trình tiêm vacxin viêm gan B cho người lớn
- Xét nghiệm trước khi tiêm: Cần làm các xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết đã bị nhiễm virus viêm gan B hay trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa.
Nếu kết quả là HBsAg dương tính, nghĩa là bạn đã nhiễm virus viêm gan B, việc tiêm ngừa sẽ không còn hiệu quả. Còn nếu HBsAb dương tính tức là bạn đã có kháng thể kháng virus viêm gan B, khi đó không cần thiết phải tiêm vắc xin nữa. Nếu cả hai xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, tức là chưa mắc bệnh và cần tiêm vắc xin để phòng bệnh.
- Phác đồ tiêm: Có thể chọn 1 trong 2 phác đồ
- Phác đồ: 0-1-6 nghĩa là liều thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng và liều thứ 3 cách liều thứ 2 là 5 tháng (cách liều đầu 6 tháng nếu tiêm đúng lịch).
- Phác đồ 0-1-2-12 tức là tiêm 3 liều liên tiếp cách nhau 1 tháng và liều thứ 4 cách liều thứ 3 là 1 năm.
- Nên xét nghiệm HbsAb sau mỗi 5 năm và nhắc lại 1 liều vắc xin nếu xét nghiệm HBsAb < 10 mUI/ml
- Vắc xin viêm gan B có rất ít tác dụng phụ, đây là loại vắc xin an toàn với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận được một số trường hợp hi hữu (khoảng 1/600.000 liều vắc xin) có thể xảy ra các phản ứng nặng. Thông thường, khi tiêm phòng viêm gan B sẽ chỉ bị đau, đỏ da, sưng phồng tại nơi tiêm. Các phản ứng nặng hơn như khó thở, tụt huyết áp, sốt cao...rất hiếm xảy ra, nhưng nếu gặp phải các triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời.
3. Các biện pháp phòng ngừa viêm gan B khác
Tiêm vắc xin viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan, cần kết hợp thêm các phương pháp khác để tăng cường hiệu quả phòng bệnh:
- Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể.
- Quan hệ tình dục an toàn, không nên quan hệ với nhiều bạn tình.
- Băng ngay các vết xước, vết thương hở.
- Sắp xếp công việc hợp lý, tránh căng thẳng mệt mỏi vì có thể làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có gan.
- Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, nâng cao thể lực.
- Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết. Hạn chế chất béo, giảm muối.
- Uống nhiều nước để tăng cường quá trình trao đổi, thải lọc các chất độc hại.
- Kiêng rượu, bia, thuốc lá.
- Nên ngủ trước 11h đêm để gan có thời gian nghỉ ngơi.
Mong rằng bài viết trên đây đã giúp các bạn biết được tiêm vacxin viêm gan B mấy lần là đủ. Lịch trình tiêm như thế nào để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất? Hãy chia sẻ thông tin này đến người thân, bạn bè vì một cộng đồng khỏe mạnh.