Trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia
Việt Nam có 94 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu, tiêu thụ 4,1 tỷ lít bia. Năm 2016, lượng tiêu thụ cồn trên 15 tuổi ở nước ta là 8,3 lít cồn nguyên chất. Xu hướng uống rượu ở tuổi trẻ gia tăng, nguy hại lớn với sức khỏe người dân, trong đó có tai nạn giai thông. 36% vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, chưa tính bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng.
Sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội đối với giới trẻ. Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.
Đặc biệt, tỷ lệ có uống rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) rất cao với 47,5% và trong độ tuổi 18-21 là 67%. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất một lần.
ThS, BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn do não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25. “Việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên/thành niên có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển đó trong khi não bộ của vị thành niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi rượu bia. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao”, BS Nguyên nói.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, rượu bia không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Theo nghiên cứu Nghiên cứu của học viện cảnh sát tại 11 tỉnh năm 2015 thì phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70% và nguyên nhân của việc số đối tượng vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn chủ yếu nằm trong độ tuổi 16 – 30 do đây là lứa tuổi còn trẻ, chưa có suy nghĩ và dễ lôi kéo, kích động dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49; chiếm 36,2% ở nam giới, 0,7% ở nữ giới (WHO-2014); gây ra khoảng 800 ca tử vong do bạo lực; 30% số vụ gây rối trật tự xã hội mỗi năm. Rượu, bia là nguyên nhân gây ra của 30 mã bệnh tật, nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh (sử dụng rượu bia kết hợp với một số nguyên nhân khác) thuộc ICD10.
"Những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp năm lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống, đó là khả năng nghiện rượu cao gấp bốn lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp sáu lần sau khi uống; khả năng gây tai nạn xe cộ cao gấp hơn sáu lần do uống rượu bia; khả năng bị chấn thương gấp gần năm lần sau uống", bà Trang nói.
Hãy hành động vì lớp trẻ Việt Nam
TS Nguyễn Huy Quang cho biết, Việt Nam được đánh giá là sẵn có rượu bia và dễ tiếp cận nhất thế giới. Không khó cho người dân Việt Nam, kể cả lứa tuổi vị thành niên có thể mua bia, rượu dễ dàng tại các cửa hàng. Rượu thủ công vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn tới nhiều ca ngộ độc rượu methanol.
Người Việt Nam, đặc biệt trẻ vị thành niên không có bị cản trở bởi luật pháp về tiêu thụ, sử dụng rượu bia một cách hạn chế. Việc quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ vẫn không được quản lý chặt chẽ.
“Đây là vấn đề nhức nhối nếu chúng ta không hành động và tiếp tục để hiện trạng pháp luật như hiện nay thì tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng và nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội tiếp tục tăng cao, trong đó đau lòng nhất là đối tượng gây ra các phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia lại là lứa tuổi thanh niên - tương lai của đất nước”, TS Quang cho hay.
Tranh của họa sĩ NOP.
Theo TS Quang, 168 quốc gia trên thế gới đã có các quy định để kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, bao gồm quy định về điểm bán uống tại chỗ, điểm bán mang mua đi, ngày được bán tùy thuộc vào loại đồ uống. 136/169 quốc gia áp dụng việc cấp phép đối với bán lẻ rượu bia. Hầu hết các quốc gia đều quy định cấm bán rượu bia cho người dưới và bằng 18 tuổi.
TS Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia ra đời sẽ giải quyết phần nào căn bản vấn đề này. Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có ba mục tiêu gồm kiểm soát quảng cáo; giảm tính sẵn có của rượu bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán rượu bia.
Về giảm tính sẵn có của rượu bia, Luật quy định liên quan đến việc bán hàng trên internet nếu làm cho tiếp cận rượu bia tăng. “Luật mang tính nguyên tắc, giao chính quyền địa phương, theo lộ trình sẽ quy định địa điểm bán, giờ bán, phương thức bán”, ông Quang cho hay.
Việc kiểm soát hoặc cấm hiệu quả việc quảng cáo rượu, bia có thể làm giảm mức tiêu thụ, đặc biệt là ở giới trẻ và góp phần làm giảm tai nạn giao thông và bạo lực. Tăng giá bán rượu, bia cũng làm hạn chế cơ hội tiếp cận của người đang sử dụng nói chung và lớp trẻ.
Hiện, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã được trình lần đầu tiên tại Quốc hội kỳ họp thứ 6 vừa qua. Mặc dù còn nhiều tranh cãi và giằng xé về lợi ích sức khỏe của người dân với lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực rượu, bia, nhưng quan điểm của Bộ Y tế vẫn nhấn mạnh, hãy hành động vì sức khỏe đầu tiên, đặc biệt là sức khỏe của lớp trẻ và Luật này cần thiết phải ban hành sớm để kiểm soát tình trạng sử dụng bia, rượu ở mức độ nguy hại tại Việt Nam.