Vitamin A là một loại vitamin được đánh giá là quan trọng nhất trong tất cả các loại vitamin, vì có nhiều tác dụng đối với cơ thể. Tuy nhiên, chức năng quan trọng nhất thường được đề cập đến khi nói về vitamin A là vai trò của vitamin A với thị lực.
Vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với thị lực
Võng mạc của chúng ta có 2 loại tế bào thị giác là tế bào hình que đảm nhận chức năng nhìn trong ánh sáng mờ và tế bào hình nón đảm nhận chức năng nhìn trong ánh sáng mạnh cũng như phân biệt màu sắc. Cấu trúc sắc tố thị giác của cả 2 loại tế bào này đều có vitamin A trong thành phần - rhodopsine của tế bào que và iodopsine của tế bào nón. Các sắc tố thị giác này là yếu tố tiên quyết trong việc xử lý các thông tin về hình ảnh được chuyển đến võng mạc và truyền về cho não, giúp chúng ta nhận rõ về vật thể, màu sắc... Các sắc tố thị giác này phân hủy và tái tạo liên tục phục vụ cho hoạt động thị giác của chúng ta.
Nếu thiếu vitamin A, việc thành lập các sắc tố thị giác giảm đi sẽ kéo theo giảm thị lực. Bởi vì iodopsin của tế bào hình nón ít nhạy cảm với thiếu vitamin A hơn nên trong giai đoạn đầu của thiếu vitamin A chức năng nhìn trong ánh sáng mạnh và phân biệt màu sắc ít bị ảnh hưởng, nhưng tế bào que sẽ bị ảnh hưởng sớm gây ra bệnh quáng gà (trẻ nhìn không rõ khi trời chập choạng tối). Vitamin A có vai trò trong việc nuôi dưỡng, tái tạo các biểu mô của cơ thể bao gồm cả biểu mô của giác mạc. Thiếu vitamin A dẫn đến tình trạng giác mạc bị khô, đục, nếu nặng hơn giác mạc bị phá hủy toàn bộ gây ra tình trạng mù lòa vĩnh viễn…
Trẻ em rất dễ bị thiếu hụt vitamin A
Vitamin A là tên gọi chung của hai chất hóa học Retinol và Dehydroretinol. Các chất này hiện diện trong các thức ăn có nguồn gốc động vật, đặc biệt nhiều hơn trong gan, lòng đỏ trứng, dầu gan cá, sữa mẹ nhất là trong sữa non. Thức ăn thực vật không chứa vitamin A nhưng các loại rau quả màu vàng cam, màu xanh đậm có chứa beta-caroten khi vào trong cơ thể có thể được chuyển đổi thành vitamin A. Tuy nhiên tỉ lệ chuyển đổi này không cao nên nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất vẫn là qua thức ăn nguồn gốc động vật.
Vitamin A trong thức ăn được hấp thu phần lớn ở ruột non và sự hấp thu này sẽ bị giảm nếu nồng độ và lượng chất béo trong khẩu phần không đủ. Trong cơ thể, vitamin A được dự trữ phần lớn ở gan và một lượng ít vitamin A được tìm thấy trong các mô cơ thể khác như phổi, thận và mô mỡ. Sự dự trữ vitamin A tăng dần theo tuổi. Một người trưởng thành có lượng dự trữ vitamin A trong cơ thể có thể đủ cho nhu cầu trong vòng 4-12 tháng. Ở trẻ em, lượng dự trữ này rất kém nhưng nhu cầu vitamin A lại cao do tăng trưởng nhanh và "tiêu xài" nhiều vì thường hay mắc bệnh nhiễm trùng. Vì vậy trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin A nhất nếu việc cung cấp vitamin A qua khẩu phần ăn không đầy đủ.
Trong những bữa ăn cháo, bột, cơm… cần lưu ý có đủ thịt, cá, trứng, rau xanh hay bí đỏ, uống sữa tối thiểu 600ml mỗi ngày. Điều cần lưu ý khi sử dụng các thức ăn giàu vitamin A là phải kèm theo chất béo (dầu, mỡ) để gia tăng sự hấp thu vitamin A tại ruột. Khi trẻ bị bệnh không nên kiêng chất béo càng làm trẻ bị giảm hấp thu vitamin A và kéo dài thời gian bệnh của trẻ.
Bà mẹ sau khi sinh cần uống 1 viên vitamin A liều cao ngay trong phòng sinh để sữa mẹ có đủ vitamin A cung cấp cho trẻ bú mẹ. Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ tối thiểu 6 tháng đầu đời.
Trẻ từ 6-36 tháng tuổi cần uống bổ sung vitamin A mỗi năm hai lần vào ngày 1-2/6 và 1-2/12. Phụ huynh nên đưa các cháu ra các điểm uống vitamin A tại phường xã để uống vitamin A liều cao để phòng ngừa thiếu vitamin A gây tác hại cho sự phát triển cơ thể và bảo vệ cặp mắt của trẻ.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ hoặc trẻ 3-5 tuổi bị suy dinh dưỡng, sau tiêu chảy kéo dài, sau bệnh sởi, viêm hô hấp kéo dài cũng nên ra trạm y tế hay bệnh viện nhi đồng, trung tâm dinh dưỡng để được uống vitamin A liều cao miễn phí.