3 sai lầm thường gặp khi trị bệnh hô hấp cho trẻ

3 sai lầm thường gặp khi trị bệnh hô hấp cho trẻ

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn nhi, Đại học Y Hà Nội cho biết, mỗi năm, trung bình trẻ dưới 2 tuổi sức đề kháng kém trải qua ít nhất 8-12 đợt cảm cúm, ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm đường hô hấp. Các bệnh này thường gặp khi thay đổi thời tiết và hay tái phát, chủ yếu do sai lầm dưới đây.

Suy nghĩ kháng sinh chữa bách bệnh

Nhiều mẹ hễ thấy con ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng… là giã kháng sinh. Song theo bác sĩ Thúy, chỉ nên dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.

"Kháng sinh có hiệu quả với các bệnh do vi khuẩn gây ra, hoàn toàn không có tác dụng với các trường hợp ho, cảm, cúm do nguyên nhân virus, dị ứng, thay đổi thời tiết… Sử dụng thuốc không cần thiết trong điều trị hô hấp sẽ không giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, ngược lại còn gây ra nhiều tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, chậm lớn…", bác sĩ Thúy lưu ý.

Kháng sinh không có tác dụng với các bệnh hô hấp do virus. Ảnh: Shutterstock

Kháng sinh không có tác dụng với các bệnh hô hấp do virus. Ảnh: Shutterstock

Sử dụng lại đơn thuốc cũ

Tình trạng phụ huynh tự ý dùng lại đơn thuốc cũ khi con có triệu chứng gần giống đợt lần ốm trước, thậm chí sao chép đơn thuốc của bé nhà hàng xóm diễn ra khá phổ biến. Cả hai trường hợp này đều không đúng, bởi mỗi đơn thuốc thích hợp với bệnh lý, cơ địa, tiền sử cụ thể. Đơn cũ có thể điều trị không đúng bệnh, không đúng loại thuốc, sai liều lượng.

Dinh dưỡng thiếu hợp lý

Mong con nhanh khỏi bệnh, nhiều cha mẹ mua đủ các loại thực phẩm dinh dưỡng về tẩm bổ. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của bé giai đoạn này hoạt động kém hơn bình thường, nên trẻ thường không có cảm giác thèm ăn, tiêu hóa kém. Thay vì ép con ăn nhiều trong mỗi bữa, mẹ hãy cho bé ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, lượng thức ăn vừa phải, không tạo áp lực cho trẻ.

 Trái cây tươi giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ảnh: Shutterstock

 Trái cây tươi giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, cha mẹ còn vấp phải một số quan niệm kiêng khem dân gian, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh, ví dụ như khi trẻ ho thì không nên cho ăn tôm, cua. Kiêng khem quá mức khiến trẻ dễ thiếu chất, đặc biệt là protein phát triển hệ miễn dịch.

Bữa ăn cho trẻ cần giàu chất dinh dưỡng, thức ăn nên nấu nhừ, loãng dễ nuốt. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý bổ sung nước cho trẻ dưới nhiều dạng như sữa tươi, nước trái cây, nước uống…

Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, nhất là những bé có hệ miễn dịch kém như trẻ sinh non, biếng ăn, suy dinh dưỡng. Hạn chế kháng sinh, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, vận động ngoài trời 30 phút mỗi ngày... là những cách đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả giúp nâng cao hệ miễn dịch non yếu của trẻ.